Tổ chức tại cấp trung ương Tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam

Hệ thống tổ chức của Ðảng được lập tương ứng với hệ thống tổ chức hành chính của Nhà nước.[1]

Đại hội Đại biểu Toàn quốc

Đại hội Đại biểu Toàn quốc là cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng, là cơ quan duy nhất có quyền ban hành hoặc sửa đổi Điều lệ Đảng và cương lĩnh chính trị, thông qua báo cáo tổng kết nhiệm kỳ đã qua và thông qua nghị quyết về phương hướng hành động nhiệm kỳ tới, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan lãnh đạo cao nhất việc chấp hành nghị quyết của đại hội.[2]

Đại hội Đảng được tổ chức thường kỳ 5 năm một lần để xác định đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đại biểu dự đại hội gồm các Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương triệu tập đại hội và đại biểu do đại hội cấp dưới bầu.

Đại hội Đại biểu toàn quốc bất thường có thể được triệu tập khi Ban Chấp hành Trung ương thấy cần hoặc khi có hơn một nửa số Cấp ủy trực thuộc yêu cầu. Đại biểu dự Đại hội bất thường là các Uỷ viên Trung ương đương nhiệm, đại biểu đã dự Đại hội đại biểu toàn quốc đầu nhiệm kỳ, đủ tư cách.

Ban Chấp hành Trung ương

Giữa 2 kỳ đại hội, Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương do Đại hội Đại biểu Toàn quốc bầu ra với nhiệm kỳ 5 năm. Người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương do Ban Chấp hành Trung ương bầu ra trong số các Ủy viên Bộ Chính trị.

Nhiệm vụ của Ban Chấp hành Trung ương gồm:

  • Tổ chức chỉ đạo thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ đảng, các nghị quyết của đại hội đại biểu toàn quốc; quyết định những chủ trương, chính sách về đối nội, đối ngoại, công tác quần chúng và công tác xây dựng đảng; chuẩn bị đại hội đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ tiếp theo, đại hội đại biểu toàn quốc bất thường (nếu có).
  • Bầu Bộ Chính trị; bầu Tổng Bí thư trong số Ủy viên Bộ Chính trị; thành lập Ban Bí thư gồm Tổng Bí thư, một số Ủy viên Ban Bí thư do Ban Chấp hành Trung ương bầu trong số Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và một số Ủy viên Bộ Chính trị do Bộ Chính trị phân công; bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương; bầu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong số Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Quyết định số lượng Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
  • Triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc thường lệ 5 năm một lần; có thể triệu tập sớm hoặc muộn hơn, nhưng không quá một năm. Khi Ban Chấp hành Trung ương xét thấy cần hoặc khi có hơn một nửa số cấp Ủy trực thuộc yêu cầu thì Ban Chấp hành Trung ương triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc bất thường.

Các cơ quan trung ương tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương bao gồm:

Các đơn vị trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương bao gồm:

Các Đảng bộ trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương bao gồm

  • Quân ủy Trung ương: đứng đầu là Bí thư, thông thường Tổng Bí thư Đảng Cộng sản nắm giữ chức vụ này. Dưới Quân ủy Trung ương là:
    • Đảng bộ các Quân chủng (Hải quân, Phòng không - Không quân, Biên phòng và Cảnh sát biển): đứng đầu là Chính ủy
      • Đảng bộ các Cục, Đơn vị, Cơ quan và Học viện trực thuộc
      • Đảng bộ các Vùng Hải quân, Lữ đoàn Hải quân, Sư đoàn Phòng không, Sư đoàn Không quân, Bộ Chỉ huy Biên phòng cấp Tỉnh, Vùng Cảnh sát biển trực thuộc
        • Chi bộ các đơn vị cơ sở trực thuộc
    • Ðảng bộ các Quân khu (Thủ đô, 1, 2, 3, 4, 5, 7 và 9) và Quân đoàn (1, 2, 3 và 4): đứng đầu là Chính ủy
      • Đảng bộ các Cục, Đơn vị và Cơ quan trực thuộc
      • Đảng bộ các Ban Chỉ huy quân sự cấp Tỉnh trực thuộc
      • Đảng bộ các Sư đoàn, Lữ đoàn, Trung đoàn và Tiểu đoàn trực thuộc
        • Chi bộ các đơn vị cơ sở trực thuộc
        • Chi bộ các Đại đội trực thuộc
  • Đảng ủy Công an Trung ương: đứng đầu là Bí thư, thông thường Bộ trưởng Công an nắm giữ chức vụ này. Cấp ủy công an cấp nào do đại hội cấp đó bầu, trường hợp thật cần thiết do cấp ủy cấp trên chỉ định.Tổ chức đảng công an nhân dân địa phương cấp nào đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của cấp ủy cấp đó. Ðảng ủy công an tỉnh, thành, huyện, quận, thị xã do đại hội đảng bộ cùng cấp bầu.
  • Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương: đứng đầu là Bí thư
  • Đảng ủy Khối Cơ quan Trung ương: đứng đầu là Bí thư

Bộ Chính trị

Bộ chính trị là cơ quan thường trực, lãnh đạo và kiểm tra việc thực hiện nghị quyết Ðại hội đại biểu toàn quốc, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương; quyết định những vấn đề về chủ trương, chính sách, tổ chức, cán bộ; quyết định triệu tập và chuẩn bị nội dung các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương; báo cáo công việc đã làm trước hội nghị Ban Chấp hành Trung ương hoặc theo yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương.

Các ủy viên Bộ Chính trị do Ban Chấp hành Trung ương bầu ra. Bộ Chính trị gồm các ủy viên chính thức và có thể có các ủy viên dự khuyết. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản là người đứng đầu Bộ Chính trị.

Trên thực tế Bộ Chính trị là cơ quan quyền lực nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, là cơ quan quyết định và thi hành các chính sách chủ chốt của Đảng.

Các ban chỉ đạo trung ương trực thuộc Bộ Chính trị bao gồm:

Ban Bí thư

Ban Bí thư là một cơ quan giám sát việc thi hành chính sách hàng ngày của Đảng Cộng sản Việt Nam, quyết định một số vấn đề theo sự phân công của Ban Chấp hành Trung ương.

Thành viên Ban Bí thư gồm có Tổng Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, một số thành viên do Ban Chấp hành Trung ương bầu trong số Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và một số Ủy viên Bộ Chính trị do Bộ Chính trị phân công.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Ủy ban Kiểm tra Trung ương chuyên xem xét phẩm chất chính trị và tư cách đạo đức các đảng viên là cán bộ cao cấp, các vụ việc tiêu cực liên quan đến các đảng viên cao cấp. Đứng đầu là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Điều 32 Điều lệ Đảng quy định nhiệm vụ của Uỷ ban kiểm tra các cấp như sau:

  1. Kiểm tra đảng viên, kể cả cấp ủy viên cùng cấp khi có dấu hiệu vi phạm tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp ủy viên và trong việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên.
  2. Kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các nguyên tắc tổ chức của Đảng; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng.
  3. Giám sát cấp ủy viên cùng cấp, cán bộ diện cấp ủy cùng cấp quản lý và tổ chức đảng cấp dưới về thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nghị quyết của cấp ủy và đạo đức, lối sống theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.
  4. Xem xét, kết luận những trường hợp vi phạm kỷ luật, quyết định hoặc đề nghị cấp ủy thi hành kỷ luật.
  5. Giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên; giải quyết khiếu nại về kỷ luật Đảng.
  6. Kiểm tra tài chính của cấp ủy cấp dưới và của cơ quan tài chính cấp ủy cùng cấp.

Uỷ ban kiểm tra có quyền yêu cầu tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên báo cáo, cung cấp tài liệu về những vấn đề liên quan đến nội dung kiểm tra.